Ung thư là gì?
Ung thư, một căn bệnh khiến ai cũng phải sợ hãi khi nghe đến. Thế nhưng, bạn có thật sự hiểu rõ thế nào là ung thư? Hay chỉ biết rằng đó là căn bệnh có tỉ lệ tử vong rất cao? Và bạn có biết làm thế nào để ngăn ngừa ung thư chưa? Hiện nay, người ta nói rằng cứ hai người thì có một người mắc bệnh ung thư và nó là nguyên nhân gây tử vong số một ở Nhật Bản, tỷ lệ này đang tăng lên qua từng năm. Theo thống kê quan trọng năm 2015 của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, ung thư phổi đứng đầu ở nam giới, sau đó là ung thư dạ dày, ung thư gan và ung thư đại trực tràng. Ở phụ nữ, ung thư đại trực tràng được xếp hàng đầu, sau đó là ung thư dạ dày, ung thư phổi và ung thư tuyến tụy.
Vậy còn Việt Nam như thế nào? Năm 2020, Việt Nam xếp vị trí 90/185 quốc gia vùng lãnh thổ, với tỷ lệ mắc 159,7/100.000 dân, xếp 16 châu Á, đứng thứ 6 Đông Nam Á.
Theo thống kê của WHO, số ca mắc mới ung thư tại Việt Nam không ngừng tăng, từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 năm 2010. Năm 2018, số ca mắc mới tăng lên gần 165.000 ca/96,5 triệu dân. Và 5 loại ung thư mắc nhiều nhất ở Việt Nam theo thứ tự: gan, phổi, vú, dạ dày, đại trực tràng (theo WHO 2020).
Ung thư được xem là một căn bệnh đáng sợ, nhưng nếu chúng ta thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kì, có thể giúp phát hiện ung thư sớm và điều trị hợp lý. Và với những ai đã được điều trị khỏi cũng không nên chủ quan vì nó có thể tái phát bất cứ lúc nào. Điều quan trọng trong phòng chống tái phát ung thư chính là ý thức của mỗi người trong thói quen sinh hoạt, ăn uống hàng ngày.
Cơ thể của chúng ta được tạo thành từ 60 nghìn tỷ tế bào và mỗi ngày các tế bào bị phá hủy bởi các chất độc hại như quá trình oxi hóa. Cơ thể có chức năng sửa chữa và phục hồi tế bào, nhưng một khi hệ miễn dịch bị suy giảm sẽ không thể tiêu diệt được các tế bào ung thư. Sau đó, khi các tế bào bị tổn thương quá mức, các gen cũng bị phá hủy, số lượng tế bào ung thư tăng lên và chúng lan ra các bộ phận xung quanh như một khối u.
Mọi người thường nghĩ rằng ung thư là do di truyền. Quả thật, ung thư là một “bệnh di truyền.” Tuy nhiên, một số di truyền từ cha mẹ sang con cái chỉ chiếm khoảng 5% trong tổng số các bệnh ung thư. Bởi môi trường sống có liên quan rất lớn đến nguyên nhân gây ra bệnh ung thư khi chúng ta già đi. Các nhà khoa học trên thế giới đã chỉ ra rằng, có đến 75- 80% ung thư phát sinh là có liên quan đến môi trường sống, trong khi chỉ có dưới 10% bệnh ung thư phát sinh do các rối loạn từ bên trong cơ thể.
Năm 1996, Trung tâm Phòng chống Ung thư tại Đại học Harvard đã chỉ ra nguyên nhân gây ra bệnh ung thư ở người Mỹ. Theo báo cáo này, thuốc lá và thực phẩm, mỗi loại chiếm 30%. Các thói quen lối sống khác như thiếu tập thể dục chiếm 5% và rượu bia chiếm 3%. Chỉ riêng điều này đã chiếm tới 68% nguyên nhân gây ra bệnh ung thư.
Tóm lại, nguyên nhân gây ra tế bào ung thư không chỉ là một mà còn liên quan đến nhiều yếu tố như chế độ ăn uống, hút thuốc lá, vi rút, tia cực tím, ô nhiễm không khí. Chúng ta không thể ngăn ngừa hoàn toàn căn bệnh ung thư, nhưng hãy xem xét lại lối sống hàng ngày như vận động, căng thẳng, ăn uống và hút thuốc, bởi cải thiện lối sống được chứng minh rằng có thể ngăn ngừa ung thư đáng kể.
Thế nào là chế độ ăn uống phòng ngừa ung thư?
Hiện nay, người ta đã nhận biết được các nguyên nhân làm giảm và tăng nguy cơ ung thư. Cơ sở của một bữa ăn là cân bằng với một món canh và ba món chính.
- Ăn nhiều loại thực phẩm chủ yếu là thực vật
- Ăn nhiều rau và trái cây
- Ăn nhiều loại củ, đậu và ngũ cốc
- 1 ngày ăn 80g thịt trở xuống
- Tránh thức ăn có chất béo động vật (axit béo bão hòa) và ăn vừa phải chất béo từ thực vật.
- 6g muối trở xuống mỗi ngày đối với người lớn
- Tránh uống rượu, bia
- Ăn thực phẩm còn tươi sống
- Chú ý với các chất phụ gia thực phẩm và thuốc trừ sâu còn sót lại
- Hạn chế các thức ăn bị cháy (khét)
Thực phẩm làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư
- Rượu bia: Ung thư gan, ung thư ruột kết, ung thư vú, ung thư phổi, ung thư thực quản
- Độ mặn của thức ăn: Ung thư dạ dày
- Thịt: Ung thư đại trực tràng, ung thư vú
Nguyên nhân khiến nguy cơ ung thư tăng cao do thói quen ăn mặn như cá muối và thực phẩm khô là các thành phần thức ăn như dưa chua, rau và cá phản ứng với axit nitric trong dạ dày và hợp chất nitroso được tạo ra nhiều nhất trong dạ dày của người Nhật. Người ta cho rằng điều này là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mắc ung thư.
Họ cũng tin rằng thói quen uống nhiều rượu bia và chỉ ăn thức ăn nóng có thể làm tổn thương niêm mạc thực quản. Đặc biệt là khi lượng rượu tiêu thụ mỗi ngày tăng lên, nó có nguy cơ mắc bệnh cao hơn gấp đôi so với những người không uống.
Nguyên nhân gây ung thư đại trực tràng được cho là chất gây ung thư hình thành khi protein động vật bị đun nóng. Do đó, rủi ro mắc bệnh sẽ tăng nếu ăn lượng lớn thịt đã qua chế biến và bảo quản.
Trong số các nguyên nhân liên quan đến dinh dưỡng, bệnh tiểu đường dẫn đến sự phát triển của các bệnh ung thư như ruột già, gan, ung thư tuyến tụy, bàng quang và béo phì cũng là một nguyên nhân làm tăng nguy cơ ung thư gan, ung thư tuyến tụy và ung thư tử cung.
Thực phẩm ngăn ngừa ung thư
- Rau: ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư ruột kết, ung thư vú
- Trái cây: ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư vú
- Caroten: Ung thư phổi
- Vitamin C: Ung thư dạ dày
- Chất xơ: Ung thư đại trực tràng (chỉ ruột kết)
Trung tâm Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ đã chọn ra khoảng 40 loại thực phẩm có tác dụng ngăn ngừa ung thư, chủ yếu là các thành phần có tác dụng ngăn ngừa ung thư có trong thực vật tự nhiên và như trong hình dưới đây, tháp dinh dưỡng đã được tạo ra. Trong tháp dinh dưỡng, thực phẩm càng cao thì càng có tác dụng phòng chống ung thư.
Thực phẩm ngăn ngừa ung thư ngoài rau, trái cây và dầu thực vật có chứa vitamin E, vitamin C và vitamin A thì còn có ở thực phẩm chứa các thành phần chức năng (polyphenol, carotenoid,…). Polyphenol và carotenoid có tác dụng chống oxy hóa và loại bỏ oxy hoạt tính trong cơ thể.
Những người hấp thụ nhiều β-carotene có trong rau màu xanh và màu vàng được cho là có nguy cơ thấp phát bệnh ung thư phổi. Bên cạnh đó, còn có báo cáo rằng bổ sung vitamin D, canxi, axit folic (một loại vitamin B) làm giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng.
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đặt mục tiêu ăn 350g rau mỗi ngày. Kết hợp một hoặc hai đĩa rau nhỏ cho mỗi bữa ăn sẽ giúp bổ sung rau và ngăn ngừa ung thư.
Kết hợp tập thể dục để phòng ngừa ung thư
Hoạt động thể chất đã được chứng minh là gần như làm giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng và nó cũng được chỉ ra rằng có nhiều khả năng làm giảm nguy cơ ung thư vú.
“Hướng dẫn tập thể dục nâng cao sức khỏe 2013” của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản khuyến nghị đi dạo tương đương với vận động như đi bộ 60 phút mỗi ngày như một tiêu chuẩn hoạt động thể chất cho độ tuổi từ 18-64 tuổi. Nếu bạn từ 65 tuổi trở lên, bạn có thể thực hiện bất kỳ động tác nào miễn là bạn không nằm hoặc ngồi, vì vậy tiêu chuẩn hoạt động thể chất trong độ tuổi này là 40 phút mỗi ngày.
Hướng dẫn nâng cao sức khỏe của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản kêu gọi người dân bắt đầu vận động cơ thể một cách tích cực dù chỉ là 10 phút, chẳng hạn như đi bộ, đi bộ nhanh hoặc thể dục nhịp điệu. Và theo thói quen tập thể dục, nên tập từ 30 phút trở lên ít nhất hai lần một tuần.
Tác dụng của tập thể dục trong phòng ngừa ung thư
Nó đã được chứng minh rằng càng hoạt động thể chất như làm việc và tập thể dục, càng giảm nguy cơ phát triển ung thư đại trực tràng, ung thư vú và các bệnh ung thư nói chung. Qua việc vận động, nguy cơ tử vong không chỉ do ung thư mà còn do bệnh tim cũng trở nên thấp hơn.
Như đã được nói đến, béo phì cũng được chứng minh là làm tăng nguy cơ ung thư trong đó có ung thư vú sau mãn kinh, với chỉ số khối cơ thể BMI tăng 1 lần làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng lên 1,03 lần ở nam giới và 1,02 lần ở phụ nữ. Và gần như chắc chắn rằng béo phì làm tăng nguy cơ phát triển ung thư gan và người ta cho rằng đàn ông gầy có chỉ số BMI dưới 18,5 và phụ nữ béo phì với chỉ số BMI từ 30 trở lên có thể làm tăng nguy cơ ung thư tổng thể. Qua việc tập thể dục thường xuyên và duy trì cân nặng phù hợp, có thể giảm nguy cơ ung thư do gầy và béo phì.
Tổng kết
Nhìn chung, chúng ta không thể hoàn toàn tránh được căn bệnh ung thư, nó luôn tiềm ẩn và có thể xảy đến với bất kì ai nếu không chú trọng đến lối sống hàng ngày. Bằng cách cải thiện thói quen sinh hoạt, thay đổi chế độ ăn uống hợp lý và thường xuyên vận động cơ thể thì chắc chắn rằng chúng ta sẽ ngăn ngừa được phần nào căn bệnh vô cùng nguy hiểm ấy. Đó là cả một quá trình, mỗi người hãy tự yêu thương và trân trọng cơ thể của mình.
Nguồn báo:
- https://www.tyojyu.or.jp/net/kenkou-tyoju/eiyou-shippei/yobou-gan-shokuji.html
- https://kunichika-naika.com/information/hitori201507
- https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/nam-2020-viet-nam-tang-9-bac-tren-ban-do-ung-thu-the-gioi-704477.html
Người dịch: Thảo My
Chỉnh sửa: Ngọc Quỳnh