TPM là viết tắt từ các chữ “Total Productive Maintenance“, hoặc “Total Productive Management“, tạm dịch là “bảo trì năng suất toàn diện” – là một phương thức bảo trì bảo dưỡng các thiết bị của nhà máy mới do tập đoàn Denso (xe hơi Toyota) đề xướng năm 1971, và hiện đã nổi tiếng thế giới.
A. Mục đích của TPM
Mục đích của TPM thì đương nhiên là để Nhà máy/Công ty sinh lời nhiều hơn (thông qua việc giảm thiểu các hỏng hóc, giảm thời gian tạm dừng thiết bị, tăng hiệu suất của thiết bị, tăng chất lượng sản phẩm), và tất nhiên là không quên việc quan tâm Sức khỏe, Tinh thần của công nhân, Tác động môi trường.
B. Triết lý của TPM
Triết lý chính của TPM thì theo tôi có thể tóm tắt là
1) Toàn bộ mọi người trong công ty (bao gồm các công nhân sản xuất, bảo dưỡng máy, đến cả những người làm công việc gián tiếp như Mua bán hàng, logistics, văn phòng…) cùng tham gia (chứ không phải chỉ là bộ phận bảo trì).
Có lẽ chính từ chữ “toàn bộ” này, phương thức này mới được gọi là Total (dịch là Tổng thể, toàn bộ).
2) Để ý việc phòng ngừa, dự đoán các hỏng hóc (kể cả việc cải tiến để phòng ngừa) chứ không phải chỉ quan tâm chỉnh sửa, đối ứng khi hỏng hóc đã xảy ra.
C. Phương thức thực hiện TPM – 8 trụ cột
có 8 phương thức, gọi là 8 trụ cột (8 pillars) để thực hiện TPM, theo thứ tự từ 1-8 như sau.
Lưu ý: Ở đây tôi ghi theo nguyên bản TPM của Nhật Bản về thứ tự 8 trụ cột (khác với nhiều trang web tiếng Việt và tiếng Anh khác) vì tôi thấy nó có ý nghĩa trong việc sắp xếp thứ tự này.
- Cải tiến riêng lẻ từng khâu của dây chuyền sản xuất
- Yêu cầu nhân viên đứng máy bảo trì tự chủ
- Thiết lập Đội ngũ bảo trì và thực thi bảo trì theo kế hoạch
- Tạo dựng bộ phận cải tiến, thay đổi thiết kế về sản phẩm và thiết bị
- Quản lý chất lượng
- Xây dựng hệ thống đào tạo và huấn luyện nhân viên
- Xây dựng hệ thống hiệu quả hóa của bộ phận quản lý và gián tiếp
- Xây dựng hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh và môi trường
Nội dung chi tiết 8 trụ cột này rất là thú vị, và đối với từng ngành nghề, từng kiểu nhà máy thì sẽ được triển khai cụ thể thành những nội dung chi tiết khác nhau. Lần này tôi chỉ nêu một vài ý chính của 8 trụ cột này.
1) Cải tiến riêng lẻ từng khâu của dây chuyền sản xuất
Đây là việc nên bắt đầu đầu tiên.
Đó là xác định ngay, các tổn thất, mất mát hiện tại đang xảy ra trong công ty là ở máy móc nào, ở khâu nào, bộ phận nào.
Và ngay lập tức khoanh vùng CỤ THỂ, và PHÂN TÍCH, lên KẾ HOẠCH, MỤC TIÊU cụ thể để CẢI TIẾN cho tổn thất mất mát đó.
Có thể mỗi khâu sản xuất đều có những vùng vấn đề nổi cộm riêng, và “trụ cột” này yêu cầu với mỗi vùng thì tạo lập một dự án cải tiến riêng, độc lập nhau để thực hiện.
2) Yêu cầu nhân viên đứng máy bảo trì tự chủ
Nếu trụ cột thứ nhất đề ra các mục tiêu, lập nên các dự án để thực hiện CẢI TIẾN, SỬA CHỮA các vấn đề đã phát sinh. Tuy nhiên từ trụ cột thứ 2 này thì hầu hết là nhằm mục đích “ngăn ngừa” các vấn đề để nó không phát sinh.
Trụ cột thứ 2 là việc yêu cầu người công nhân đứng máy phải Kiêm luôn việc bảo trì, bảo dưỡng máy như Lau chùi, tra dầu, và hơn thế nữa, là một số việc khó hơn như Phát hiện sớm các vấn đề, hỏng hóc nhỏ, Xem xét mức độ chính xác của hoạt động của các máy, chỉnh sửa thay thế một số bộ phận cơ bản.
3) Thiết lập Đội ngũ bảo trì và thực thi bảo trì theo kế hoạch
Đây là việc xây dựng Đội ngũ bảo trì theo kế hoạch.
Trục thứ 2 thì yêu cầu người đứng máy phát hiện những sai sót nhỏ, hay các độ chính xác cơ bản của máy mà người đứng máy dễ nắm bắt. Tuy nhiên khi cần đo lường để phát hiện những lỗi khó, tính toán những số liệu thống kê về vận hành máy phức tạp hơn thì Đội ngũ bảo trì sẽ đảm nhiệm. Và tất nhiên đội ngũ bảo trì cũng sẽ chịu trách nhiệm chỉnh sửa, thay thế các máy kịp thời để không xảy ra các vấn đề hỏng hóc lớn ảnh hưởng đến việc sản xuất.
Ngoài việc bảo dưỡng dựa vào Trạng thái máy, đội ngũ Bảo trì cũng cần làm việc Bảo dưỡng định kỳ, quản lý thời gian vận hành của các máy, chi tiết máy, và thay thế khi đến hạn.
4) Tạo dựng bộ phận cải tiến, thay đổi thiết kế về sản phẩm và thiết bị
Để hạn chế các lỗi, tổn thất xảy ra do nguyên nhân khách quan từ việc Sản phẩm thiết kế chưa phù hợp, thiết bị sử dụng cũng chưa tối ưu. Bộ phận này sẽ lấy ý kiến, kinh nghiệm từ chính các Nhân viên đứng máy, nhân viên vận hành để từ đó quay về xem lại việc thay đổi thiết kế của Sản phẩm cho dễ sản xuất hơn, sản xuất an toàn hơn, dễ bảo trì hơn. Tương tự như vậy, sẽ tìm kiếm các thiết bị hoặc thay đổi thiết kế đối với thiết bị sử dụng để việc sản xuất cũng được dễ dàng hơn, ít gây lỗi, tổn thất hơn, và thiết bị dễ bảo trì, chỉnh sửa hơn.
5) Quản lý chất lượng
Việc quản lý chất lượng ở đây không đơn thuần là việc tăng cường kiểm tra các sản phẩm trước khi xuất xưởng để sản phẩm lỗi không đến tay khách hàng, mà quan trọng hơn là việc phải tìm ra đâu là Nguyên nhân làm ra sản phẩm lỗi, khách quan hay chủ quan, để từ đó có các đối sách, thay đổi phù hợp ngay từ khâu thiết kế và sản xuất sản phẩm. Việc này cũng rất cần ý kiến từ Khách hàng, từ những người công nhân trực tiếp sản xuất.
Ở đây, một phương thức định lượng hay được áp dụng là việc Thiết lập các Điều kiện trong các khâu sản xuất cho phù hợp, để ngăn chặn các lỗi trước khi nó xảy ra.
6) Xây dựng hệ thống đào tạo và huấn luyện nhân viên
Thực hiện việc đào tạo, huẩn luyện để tăng kỹ năng cho nhân viên, cũng như để các nhân viên có thói quen về việc để ý đưa ra các ý kiến Cải tiến.
Thực hiện việc đánh giá kỹ năng rõ ràng để tạo Động lực cho các nhân viên học tập, phát triển.
7) Xây dựng hệ thống hiệu quả hóa của bộ phận quản lý và gián tiếp
Không chỉ có bộ phận Sản xuất mới là đối tượng của việc thực hiện TPM, mà ngay cả các bộ phận khác (quản lý kho, logistics, Mua hàng, bán hàng, hành chính,..) đều cần cải tiến để tăng năng suất công việc, và tránh việc tạo ra các tổn thất không đáng có.
Ở rất nhiều bộ phận, có thể tham khảo quy trình 5S, PDCA,… để cải tiến.
8) Xây dựng hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh và môi trường
Công ty có lợi nhuận đến đâu, nhưng nếu việc Lao động không an toàn, sức khỏe nhân viên bị ảnh hưởng, môi trường cũng bị ảnh hưởng thì không thể nói là công ty thành công. Nên cần thiết phải có các quan tâm, đánh giá, đo lường, cải tiến cụ thể liên quan đến An toàn, vệ sinh, sức khỏe người lao động, tác động đến môi trường.
Nếu các bạn biết tiếng Nhật hoặc là có thể dịch các bài viết tiếng Nhật thì tôi giới thiệu trang web sau, có rất nhiều kiến thức chuyên sâu, cụ thể liên quan các nội dung TPM.
https://www.kaizen-japan.work/ (Kaizen Japan)
Các bạn cần tìm kiếm các chuyên gia Nhật Bản để giúp việc thực hiện TPM cũng xin liên lạc công ty Shiokaze.
Hoàng Hải Triều.